Mô hình VietGAP là tiêu chuẩn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt ra đối với các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. VietGAP sẽ cung cấp các trình tự thủ tục hướng dẫn nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp bao gồm thuỷ sản, chăn nuôi và trồng trọt. Hiện nay rất nhiều các hộ dân chọn nuôi gà theo mô hình VietGap. Họ sẽ làm theo các hướng dẫn chăn nuôi từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Qua đó nâng cao chất lượng đầu ra sản phẩm, thu về nguồn lợi kinh tế cao hơn. Hãy cùng mcgdds.com tìm hiểu bài viết ‘Theo đuổi mô hình VietGAP trong chăn nuôi gà thịt’.
Mô hình VietGap là gì?
VietGAP là viết tắt của Vietnamese Good Agricultural Practices, có nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam. Tiêu chuẩn này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt và chăn nuôi.
VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất.
Chăn nuôi gà theo VietGAHP là mô hình chăn nuôi bền vững với những lợi ích từ việc đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.
Chọn giống gà thịt
Chọn những giống gà chuyên thịt có năng suất cao. Chọn những con khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lông mượt khô và bóng, không khuyết tật như: hở rốn, bụng xanh đen, bụng mềm căng đầy nước, da bụng mỏng, mù mắt vẹo mỏ, chân cong.
Tiếp nhận đàn gà thịt giống
- Làm vệ sinh sạch sẽ và khử trùng tất cả các thiết bị/dụng cụ (máng ăn, máng uống, nơi ấp trứng, quây úm và dụng cụ úm …) trước khi đưa gà vào chuồng.
- Phát quang và làm vệ sinh sạch sẽ khu vực xung quanh chuồng nuôi.
- Phải kiểm tra lại tình trạng sức khỏe của đàn gà trước khi chuyển xuống, để đảm bảo rằng cả đàn gà mới tiếp nhận đều khỏe mạnh.
- Nếu phát hiện đàn gà yếu ớt, bị ốm hoặc bị chết bất thường khi tiếp nhận cao hơn 0,5%, ngay lập tức cần thông báo cho cán bộ thú y.
- Tất cả các giống gà mới mua nên được nhốt riêng và nuôi tân đáo khoảng 15 ngày để phát hiện gà mang mầm bệnh tiềm ẩn (nếu có) và gà thích ứng với thức ăn mới.
Chuẩn bị chuồng trại cho gà
Vị trí xây dựng chuồng trại
Chọn nơi đất cao, tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho thoát nước tự chảy, vị trí thoáng mát, đi lại thuận tiện; Cách biệt với nơi ở và nguồn nước sinh hoạt của con người; Khu nuôi cách ly, xử lý phân, rác thải cần cách biệt với chuồng nuôi chính.
Hướng chuồng Ðông, Ðông – nam, hướng Nam là tốt nhất (tận dụng ánh sáng làm khô chất độn và thông thoáng khí); Cần có cổng chính có khóa, có cổng phụ để bán sản phẩm hoặc vận chuyển chất thải ra ngoài khu nuôi; Phải có hố sát trùng trước khi vào khu chuồng và có biển báo quy định với khách thăm quan. Rèm che bằng bạt nilon, bao tải… phù hợp với diện tích cần dùng.
Chất độn chuồng, máng uống và thiết sưởi
Dùng trấu, dăm bào hoặc viên gỗ công nghiệp, lớp dày 15 – 17 cm. Chất độn chuồng phải phơi khô, sạch và phải được khử trùng bằng Formol 2% trước khi đưa vào chuồng nuôi 5 – 7 ngày. Mỗi lứa gà chỉ dùng đệm lót 1 lần (không thay bổ sung khi nuôi). Sau khi bán gà mới thay đệm chuồng.
Máng uống, máng ăn: Sử dụng máng ăn dài hoặc máng tròn…Quây úm, thiết bị sưởi ấm thường làm bằng lá cót ép, cắt dọc có chiều cao 50cm, quây tròn lại có đường kính 2m (úm 200 gà). Có thể đan phên tre và dùng bao dứa che kín các lỗ hở trên phên. Thiết bị sưởi ấm bằng bóng điện, chụp sưởi….
Thức ăn cho gà thịt
Thức ăn bao gồm các nhóm sau để gà có thể phát triển. Nhóm nguyên liệu thức ăn giàu năng lượng: Nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể sống hoạt động. Như lúa, ngô, khoai, sắn…Nhóm nguyên liệu thức ăn giàu đạm: Nguồn cung cấp chính là các sản phẩm động vật, các loại đậu, lạc. Nhóm nguyên liệu thức ăn giàu khoáng: Chất khoáng rất cần thiết cho cấu tạo bộ xương, vỏ trứng, lông, mỏ, móng của cơ thể. Chất khoáng có nhiều trong: bột đá, canxi, phốt phát), vỏ trứng, vỏ sò, cua, các premix khoáng.
Nhóm nguyên liệu giàu vitamin có nhiều trong các loại rau xanh, các loại quả hoặc hỗn hợp premix Vitamin. Đổ thứ tự các nguyên liệu thức ăn nhiều ra trước, nguyên liệu thức ăn ít ra sau (theo công thức); Nguyên liệu thức ăn ít (Khoáng, Vitamin, bột cá…) được trộn lẫn với các nguyên liệu thức ăn khác để đảm bảo sự đồng đều; Dùng xẻng hoặc tay đảo đều các nguyên liệu thức ăn đến khi thấy khối lượng thức ăn có một màu đồng nhất là được; Dùng xẻng xúc thức ăn đã trộn cho vào túi ni lông dùng dây giun cột lại; Cho túi đựng thức ăn đặt trên kệ ở vị trí cao ráo và thoáng mát.
Phải chọn nguyên liệu phối trộn (ngô, đậu tương, bột cá…) có chất lượng tốt. Không mua thức ăn hoặc nguyên liệu đã bị nhiễm nấm mốc. Thức ăn hỗn hợp phối chế sẵn phải rõ xuất xứ (địa chỉ nơi bán, nơi sản xuất…). Không mua thức ăn có trộn các chất cấm (kích thích tăng trọng).
Giai đoạn úm gà
Úm gà con trên nền chuồng, chất độn chuồng (trấu, dăm bào…) dày 3 – 5 cm dùng quây bằng cót cao 50 – 70 cm và chu vi cót quây tùy theo số lượng gà. Nhiệt độ: Tuần 1: 30 – 320C; Tuần 2: 28 – 300C; Tuần 3: 26 – 280C; Tuần 4: 24 – 260C; Sau 4 tuần: 20 – 240C. Ánh sáng: 1 – 3 tuần đầu chiếu sáng 24 h/ngày, cường độ chiếu sáng 3 w/m2 (20 lux), từ 4 – 8 tuần chiếu sáng 16 h/ngày, sau 8 tuần chỉ dùng ánh sáng tự nhiên. Sưởi ấm: Dùng bóng điện, bóng sưởi tia hồng ngoại, chụp sưởi… Nếu không có điện dùng đèn dầu, đèn măng sông….Mật độ nuôi:
- Nuôi nền, sử dụng độn chuồng: Mật độ nuôi 15 – 20 con/m2 và nới rộng cót theo thời gian sinh trưởng của gà.
- Nuôi lồng: 1 tuần tuổi: 80 – 100 con/m2 lồng; 2 tuần tuổi: 40 – 60 con/m2; 3 tuần tuổi: 30 – 40 con/m2; 4 tuần tuổi: 20 – 25 con/m2.
Cho gà thịt ăn tự do, mỗi ngày thay thức ăn từ 4 – 5 lần/ngày. Gà mới đưa vào chuồng không nên cho ăn ngay. Nên cho uống nước pha Vitamin C 500 mg/lít. Thường xuyên theo dõi, quan sát đàn gà nhất là khâu nhiệt độ, nước uống, vệ sinh…
Giai đoạn từ 5 tuần tuổi trở đi
Thức ăn đảm bảo đủ yêu cầu dinh dưỡng; Tận dụng nguyên liệu thức ăn sẵn có trong gia đình để giảm chi phí; Cải thiện thức ăn trong vườn chăn thả (nếu nuôi chăn thả). Gà thịt được cho ăn kết hợp tận dụng khả năng tự kiếm mồi để giảm chi phí thức ăn (nếu nuôi thả vườn).
Cách cho ăn:
- Nếu nuôi công nghiệp: Cho ăn tự do.
- Nếu nuôi bán công nghiệp: Buổi sáng nếu trời không mưa và ấm áp thì thả gà ra vườn để tự kiếm mồi. Gần trưa cho gà ăn thêm thức ăn bổ sung. Buổi chiều cho gà ăn no trước khi lùa vào chuồng.
Thường xuyên theo dõi, quan sát đàn gà; Kiểm tra trọng lượng gà định kỳ; Ðịnh kỳ đảo hoặc thay đệm lót đảm bảo thông thoáng, mát mẽ về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Phun hóa chất tiêu độc khử trùng đột xuất hoặc định kỳ chuồng nuôi và xung quanh khu vực nuôi.
Vệ sinh phòng bệnh cho gà nuôi
Sát trùng chuồng, dụng cụ, sân chơi, vệ sinh sạch sẽ toàn khu vực chăn nuôi. Thường xuyên cọ rửa máng ăn, máng uống, kết hợp với việc thay thức ăn nước uống mới; cho gà ăn sạch, uống sạch.
- Khu vực chăn nuôi phải được rào kín, có cửa khóa, biển báo nhằm không cho người, động vật, xe cộ qua lại khu vực này.
- Mọi người, phương tiện và dụng cụ ra/vào khu vực phải đi qua cửa có khóa và hố khử trùng.
- Tại cửa ra vào có quần áo, giày dép dành riêng cho khu chăn nuôi; không đưa dụng cụ, giày dép quần áo ra ngoài để dùng vào việc khác.
- Phải thay mới chất khử trùng ở cửa ra vào 2 ngày/lần.
- Nên sử dụng phương tiện phòng ngừa chim, chuột… xâm nhập.
Lập kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia cầm. Ghi chép việc tiêm phòng: loại vaccine, ngày tiêm, người tiêm.
Quản lý chất thải khu vực nuôi gà thịt
Chuồng nuôi phải có rãnh thoát nước thải, công trình xử lý chất thải (biogas hoặc hố ủ phân). Nên trồng cây xanh bóng mát để tăng cường khả năng chống nóng và cải thiện tiểu khí hậu khu vực chuồng nuôi. Thường xuyên phát quang bụi rậm và định kỳ vệ sinh hệ thống cống rãnh 1 lần/tháng và phun thuốc diệt ruồi muỗi.
Nên bổ sung các chế phẩm vi sinh để giảm phát sinh mùi hôi. Các biện pháp xử lý phân gà gồm: Xử lý bằng bể Biogas; Ủ phân; Xử lý bằng chế phẩm vi sinh, rắc vôi bột… để hạn chế mùi hôi.