Tụ huyết trùng ở thỏ là căn bệnh do vi trùng Pasteurella gây nên, vi trùng này thường có sẵn trong niêm mạc khí quản của thỏ. Vào thời điểm thời tiết chuyển lạnh đột ngột, hoặc sức đề kháng của thỏ yếu đi là cơ hội cho vi trùng này gây bệnh. Khi mắc bệnh nặng có thể khiến thỏ chết đột ngột, ngoài ra bệnh có thể lây lan với tốc độ cực nhanh thông qua đường hô hấp. Hiện nay đã có thuốc đặc hiệu cho căn bệnh này, tuy nhiên phòng bệnh vẫn luôn là yếu tố hiệu quả nhất về kinh tế và được đặt lên hàng đầu. Do đó trong bài viết sau, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức để phòng ngừa bệnh tụ huyết trùng trên thỏ.
Nguyên nhân và triệu chứng
Trong niêm mạc đường khí quản của thỏ thường có vi trùng Pasteurella tiềm sinh. Do tác động của môi trường như gió lùa vào, thời tiết thay đổi đột ngột. Hay do thức ăn cho thỏ không đủ dinh dưỡng. Bị bệnh kéo dài thì khi đó sức đề kháng của cơ thể giảm sút. Đây là cơ hội để loại vi trùng này có độc lực lớn hơn sẽ gây bệnh ở nhiều dạng khác nhau. Như: viêm phổi, viêm kết mạc, phế mạc, viêm màng ngoài tim; viêm não dẫn đến thỏ nghiêng đầu.
Khi thỏ mắc bệnh tụ huyết thì sẽ có những biểu hiện như: gầy yếu, kém ăn; sốt cao 41- 42 độ C, khó thở, kết mạc mắt đỏ, chảy nước mũi có lẫn dịch nhờn. Nhiều khi bệnh ở dạng cấp tính, có thể làm thỏ chết đột xuất. Chết nhiều trong thời gian ngắn mà không biểu hiện lâm sàng.
Bệnh tụ huyết lan nhanh qua đường hô hấp bằng cách hít thở phải vi trùng ô nhiễm trong phân, bụi không khí. Hay bệnh tụ huyết trùng lợn gà, cũng có thể lây lan sang cho thỏ. Và làm tăng độc lực cho tụ huyết trùng thỏ gây bệnh.
Cách phòng bệnh tụ huyết trùng trên thỏ
Chăn nuôi thỏ với quy mô lớn cần xây dựng chuồng trại. Những ngày trời nắng nóng có thể phun nước lên mái để hạ nhiệt độ. Không được để ánh nắng dọi trực tiếp vào lồng nuôi.
Người nuôi thỏ thực hiện tốt phương châm phòng bệnh là chính. Thực hiện tốt nguyên tắc “3 sạch”: ở sạch, ăn sạch, uống sạch đảm bảo môi trường chăn nuôi sạch sẽ. Hàng ngày, vệ sinh dụng cụ, thức ăn, nước uống trước khi cho ăn, dọn ổ đẻ cho thỏ sạch sẽ. Định kỳ tẩy uế chuồng trại, nhằm hạn chế sự lây nhiễm của các loại nguồn bệnh cho thỏ. Bằng cách phun thuốc sát trùng chuồng thỏ, tối thiểu 1 lần/tháng.
Thức ăn, nước uống phải đảm bảo vệ sinh. Thức ăn thô xanh cho thỏ phải được rửa sạch bằng nước máy hoặc nước giếng khoan. Thức ăn xanh không được dự trữ quá lâu ngày; không dùng cỏ ở những nơi lầy lội và những nơi là bãi chăn thả các loại gia súc khác làm thức ăn cho thỏ.
Nuôi với mật độ phù hợp. Đối với thỏ nuôi thịt mùa nắng nóng cần dãn mật độ nuôi từ 5 – 6 con/ô lồng chuồng. Trong quá trình chăn nuôi phải thường xuyên quan sát, đánh giá tình trạng sức khỏe của thỏ để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Xem thêm các phương pháp phòng bệnh khác tại đây.