Cúm gia cầm là một trong những bệnh nguy hiểm với tốc độ lây lan nhanh và tỉ lệ tử vong cao. Bệnh dịch thường xảy ra vào thời điểm thời tiết giao mùa thay đổi thất thường, đặc biệt là vào mùa mưa. Những noi có ổ dịch cũ hoặc mật độ chăn nuôi lớn rất dễ có khả năng lây lan và bùng dịch. Một khi đã bùng dịch trên quy mô lớn thì sẽ cực kì nguy hiểm, do đó cần phải có các biện pháp để phòng tránh trước khi sự việc này xảy ra. Bài viết sau chúng tôi sẽ chia sẻ tới các bạn những kiến thức và cách để phòng tránh dịch cúm gia cầm bùng phát.
Khái quát về nguyên nhân và triệu chứng bệnh
Nguồn bệnh: Gia cầm bệnh, vi rút CGC trong nước dãi, phân, nước mũi, nước mắt, máu, lông, da; đồng thời ở người, động vật khác; dụng cụ, cỏ rác, bụi…. mang mầm bệnh.
Đường lây truyền bệnh:
– Trực tiếp do gia cầm khỏe tiếp xúc gia cầm bệnh
– Gián tiếp do gia cầm khỏe tiếp xúc với người, động vật khác (chó, mèo, chim, chuột…); phương tiện, dụng cụ, cỏ rác, bụi…. mang mầm bệnh.
Triệu chứng bệnh
– Thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến 3 ngày.
– Nhiều gia cầm ốm và chết đột ngột, mào, thân tím.
– Gia cầm ủ rũ, đầu gục xuống và đi loạng choạng, lông xơ xác, kém ăn.
– Phù đầu và cổ, mắt sưng, chảy nước mắt và nước mũi, có thể xuất huyết.
– Khuỷu chân và bàn chân, da chân xuất huyết.
– Phân lỏng lúc đầu có màu xanh sáng, sau là màu trắng và hậu môn chảy máu.
– Các đàn giống đang sinh sản, năng suất trứng giảm rõ rệt.
Trong thời gian tới, nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H5N8 cũng như các chủng cúm gia cầm khác lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao. Vì vậy cần tăng cường các biện pháp tổng hợp phòng chống dịch bệnh.
Biện pháp phòng chống cúm gia cầm
Để phòng bệnh cúm gia cầm H5N1 có hiệu quả, người chăn nuôi nên chọn mua con giống đã được ngành thú y kiểm dịch động vật. Đối với gia cầm khai thác trứng, khi thả nuôi vào chuồng khoảng 15 ngày tuổi; cần tiến hành tiêm vắc-xin phòng cúm A H5N1 mũi đầu tiên. Sau đó, cứ 06 tháng tiêm nhắc lại. Đối với gia cầm thịt, chỉ cần tiêm một mũi lúc 15 ngày tuổi cho đến khi xuất bán. Riêng đối với vịt, cần tiêm vắc-xin cúm A H5N1 mũi thứ nhất lúc 15 ngày tuổi. Và tiêm mũi thứ hai lúc 28 ngày tuổi.
Song song đó, thường xuyên phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng gia cầm và môi trường chăn nuôi, nhất là cần thực hiện biện pháp xử lý phân gia cầm tươi bằng chế phẩm E.M, sau đó ủ phân trong thời gian từ 15 – 20 ngày để phân hoai mục hoàn toàn, nhằm giảm mùi hôi, hạn chế phát sinh mầm bệnh, mà còn tạo được nguồn phân hữu cơ truyền thống sử dụng rất tốt cho cây trồng.
Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y còn khuyến cáo người chăn nuôi gia cầm cần tiêm vắc-xin phòng các bệnh thường gặp. Như: Cúm H9N2 gây giảm tỷ lệ đẻ trên gà đẻ trứng, bệnh cầu trùng, bệnh viêm khí quản truyền nhiễm… Nếu phát hiện gia cầm nhiễm cúm A H5N1, người chăn nuôi gia cầm không được bán chạy gia cầm. Mà cần báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương để phối hợp xử lý.