Bệnh gà rù còn được biết đến tên gọi là bệnh Newcastle, bệnh tân thành gà là một căn bệnh nguy hiểm với tốc độ lây lan nhanh. Nếu không có biện pháp chữa trị kịp thời có thể gây chết hàng loạt, ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế của chủ trại. Bệnh này có thể bị mắc bởi mọi lứa tuổi ở gà và lây lan chính qua đường hô hấp.
Đặc trưng của gà khi mắc bệnh này là bỏ ăn, người ủ rũ, lông xù, hoạt động chậm chạp. Khi bệnh phát triển sẽ gây nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn, do đó việc phòng bệnh là vô cùng cần thiết. Bài viết sau, mcgdds.com sẽ chia sẻ đến bạn các biện pháp để phòng bệnh gà rù.
Đường lây bệnh gà rù – Newcastle
Nguyên nhân chính của căn bệnh gà rù chính là do Virus Newcastle – virus chủng RNA nhóm Paramyxovirus gây nên. Điều vô cùng nguy hiểm là chủng virus này có thể xuất hiện và gây bệnh ở tất cả các loại gia cầm, mọi giống gà khác nhau. Ngoài ra căn bệnh gà rù còn có thể bùng phát ở bất cứ thời điểm nào trong năm. Đặc biệt là vào mùa đông đây là thời điểm bệnh bùng phát mạnh nhất.
Là một trong những căn bệnh nguy hiểm mà bất cứ lứa tuổi nào trên gà cũng đều có nguy cơ bị mắc bệnh. Bệnh này thường lây lan thông qua virus xâm nhập vào cơ thể thông qua đường tiêu hoá. Ngoài ra căn bệnh này cũng lây qua đường hô hấp qua niêm mạc hầu họng đi vào máu gây nhiễm trùng huyết.
Các virus sau khi đi vào cơ thể sẽ tấn công vào các thành, mạch quản. Dẫn tới hiện tượng xuất huyết, hoại tử. Ngoài ra virus còn khiến vật mắc bệnh bị rối loạn tuần hoàn. Ảnh hưởng nặng nề tới đường hô hấp, thần kinh trung ương.
Những biểu hiện khi gà bị mắc bệnh
Gà bị bệnh sốt cao, ăn ít hoặc bỏ ăn, ủ rũ, xoã cánh, chân lạnh; hắt hơi, khò khè, vẩy mỏ liên tục, chảy nước mũi. Gà vươn cổ, há mồm để thở thường kêu thành tiếng “toóc toóc”. Gà uống nhiều nước, diều căng mềm chứa đầy nước hoặc chướng đầy toàn hơi.
Khi cầm chân dốc ngược gà xuống từ mồm sẽ chảy ra chất nhớt mùi chua. Gà đi ỉa chảy phân trắng hay xanh có lẫn nhớt. Mào tím tái. Ở thể mãn tính, gà có triệu chứng thần kinh: ngoẹo đầu, đi vòng quanh, mổ thức ăn không chính xác. Xác chết gầy, lông vùng hậu môn dính bết phân.
Các biện pháp phòng bệnh gà rù
- Bệnh do virus gây ra nên không có kháng sinh điều trị đặc hiệu. Do vậy, phòng bệnh là biện pháp hiệu quả nhất.
- Thức ăn, nước uống cho gà bảo đảm đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh. Không nuôi chung các lứa tuổi gà khác nhau.
- Thường xuyên bổ sung các chất dinh dưỡng, chất khoáng, các loại vitamin, chất điện giải vào thức ăn, nước uống theo giai đoạn phát triển của gà.
- Hằng ngày vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, máng ăn, máng uống… tránh gió lùa, bảo đảm thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông.
- Định kỳ phun thuốc khử trùng chuồng trại, khu chăn nuôi (ít nhất 1 tuần/lần) để tiêu diệt mầm bệnh.
- Sau mỗi lứa gà xuất chuồng, chuồng nuôi phải vệ sinh sạch sẽ, phun thuốc sát trùng và để trống chuồng từ 7 – 15 ngày rồi mới nuôi tiếp.
- Nhỏ vaccine Lasota lần 1 lúc gà 7 ngày tuổi, lần 2 lúc gà 21 ngày tuổi, lần 3 tiêm vaccine Newcastle hệ I lúc gà 2 tháng tuổi. Đối với gà đẻ tiêm nhắc lại lúc gà 135 ngày tuổi. Sau đó cứ 6 tháng tiêm nhắc lại 1 lần.
- Đối với gà công nghiệp có thể sử dụng kháng thể Hanvet K.T.G để phòng bệnh. Lần 1 lúc gà 20 – 25 ngày tuổi với liều 0,5 – 1 ml/con, lần 2 lúc gà 30 – 35 ngày tuổi với liều 1 – 2ml/con.
Điều trị bệnh như thế nào?
Nếu phát hiện trong đàn gà có con biểu hiện triệu chứng của bệnh gà rù phải tách ra khỏi đàn và điều trị toàn đàn. Dùng kháng thể Hanvet K.T.G để nâng cao kết quả điều trị bệnh này. Gà dưới 0,5 kg tiêm với liều 1- 2 ml/con, gà trên 0,5 kg tiêm với liều 2 – 4 ml/con. Liều tiêm tối đa là 4 ml/con. Sau 4 ngày, nếu gà vẫn chưa khoẻ thì tiêm nhắc lại. Có thể cho gà uống kháng thể với liều gấp đôi liều tiêm, tuy nhiên hiệu quả không cao.
Dùng các loại kháng sinh có hoạt phổ rộng để điều trị vi khuẩn kế phát: Genta-costrim, Hamcoli-fort, Ampi – Septol … với liều 1g/2- 4 kg thể trọng hay 2 – 4g/lít nước cho gà uống ngày 2 lần và dùng liên tục từ 3 – 5 ngày liền. Kết hợp với các thuốc trợ sức, trợ lực để gà nhanh hồi sức, chóng khỏi bệnh như điện giải, B complex, Vitamin C, Glucoza… dùng liên tục trong quá trình điều trị.