Hiện tại là thời điểm đang trong giai đoạn mùa mưa ẩm ướt. Thời tiết diễn biến không ổn định nên đàn vịt nuôi rất dễ mắc phải loại dịch bệnh. Trong đó có bệnh dịch tả vịt là một bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm trên vịt. Tỷ lệ chết của dịch bệnh này lên tới 70 – 80% trong lần bị nhiễm lần đầu, nếu không tiêm phòng vắc xin, và việc vệ sinh chuồng trại không sạch sẽ. Vì vậy để người nuôi biết cách nhận biết vịt mắc bệnh và phòng chống, chữa trị kịp thời, bài viết sau của mcgdds.com sẽ chia sẻ những thông tin cần biết để phòng chống bệnh dịch tả vịt.
Loài vật mắc bệnh và triệu chứng
Bệnh dịch tả vịt không chỉ xảy ra trên vịt mà còn trên loài ngỗng và ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là lúc vịt 7 ngày tuổi cho đến trưởng thành. Nguồn lây bệnh là phân, dịch tiết từ mũi, mắt của gia cầm mắc bệnh có chứa vi rút. Đường lây lan chủ yếu là qua tiếp xúc trực tiếp giữa các gia cầm khỏe mạnh và gia cầm bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, bệnh có thể lây lan dễ dàng qua các phương tiện cơ học; như: giày dép, quần áo mang từ một đàn bị nhiễm đến.
Bệnh lây lan nhanh, vịt bị bệnh trầm trọng trong khoảng 2 – 3 ngày. Và thời gian ủ bệnh thường từ 3 – 7 ngày. Triệu chứng nhận biết bệnh dịch tả vịt là vịt, ngỗng bỏ ăn, sợ nước, tiêu chảy nhiều, phân trắng xanh hoặc vàng nhớt, xù lông, chảy nước mũi, mắt có dừ, mí mắt sưng, niêm mạc mắt đỏ, ngoẹo đầu, mất thăng bằng, ngoẹo cổ, bại liệt, chết nhanh.
Cách trị bệnh dịch tả vịt
Khi phát hiện vịt, ngỗng có những triệu chứng bệnh trên, người nuôi xử lý ngay bằng cách, cách ly vịt, ngỗng mắc bệnh để chăm sóc, hỗ trợ phục hồi, cách ly gia cầm khỏe mạnh trong cùng đàn để chăm sóc nuôi dưỡng hoặc tiêu hủy gia cầm chết do mắc bệnh theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương.
* Tiêm bắp thịt hoặc dưới da kháng thể Hanvet KTV với liều như sau:
– Vịt dưới 2 tuần tuổi: tiêm 1 ml/con, sau 3 ngày tiêm lại 1 ml/con.
– Vịt trên 2 tuần tuổi: tiêm 1,5-2 ml/con, sau 3 ngày tiêm lại 1,5-2 ml/con.
– Có thể cho uống liều gấp đôi liều tiêm.
Sau khi sử dụng kháng thể 7-10 ngày, dùng vắc xin dịch tả vịt tiêm phòng cho toàn đàn.
* Nếu không có kháng thể có thể dùng vắc xin dịch tả vịt tiêm thẳng vào ổ dịch với liều gấp 2 lần bình thường. Sau 7 – 8 ngày những con mang mầm bệnh sẽ chết, những con chưa nhiễm bệnh sẽ có miễn dịch chống lại bệnh. Những vịt qua khỏi chỉ nuôi thịt, không dùng làm giống.
Cách phòng bệnh dịch tả
– Về chuồng trại: phải khô ráo, thoáng mát, ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Diện tích chuồng nuôi phải phù hợp với quy mô chăn nuôi. Phải có hố thuốc sát trùng trước cửa chuồng nuôi.
– Về con giống: phải nhập con giống khoẻ mạnh, có nguồn gốc rõ ràng. Từ những trang trại an toàn dịch, có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y cấp. Vịt mới mua về phải nuôi cách ly 15 ngày để theo dõi.
– Về chăm sóc nuôi dưỡng: Phải cho vịt ăn, uống đầy đủ đảm bảo chất lượng. Thường xuyên bổ sung vitamin, men tiêu hoá, khoáng chất, điện giải để tăng sức đề kháng cho đàn vịt.
– Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng: Thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi. Sau mỗi vụ nuôi phải tiến hành tổng vệ sinh chuồng trại, thu gom phân rác để xử lý. Cọ rửa chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi bằng xà phòng, sau đó tiến hành phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng nuôi.
– Tiêm phòng vắc xin dịch tả vịt:
+ Tiêm lần 1: đối với vịt con được sinh ra từ đàn bố mẹ đã được tiêm phòng vắc xin dịch tả vịt thì tiêm lần 1 lúc vịt được 2 tuần tuổi.
+ Tiêm lần 2: thực hiện sau khi tiêm lần 1 được 2 – 3 tuần.
+ Tiêm lần 3: với vịt giống, vịt đẻ tiêm vào lúc vịt được 5 tháng tuổi (trước khi đẻ bói). Sau đó tiêm nhắc lại trước mỗi vụ đẻ kế tiếp.